Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước đã được quốc hội khóa XII thông qua ngày 18/6/2009 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2010. Luật quy định trách nhiệm bồi thường nhà nước đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong quá trình hoạt động quản lý hành chính, tố tụng thi hành án.
Hội nghị lần này tập trung vào 3 vấn đề chính: đánh giá tác động của việc thay đổi mô hình cơ quan giải quyết bồi thường của nhà nước và vấn đề thiệt hại được bồi thường; Việc thay đổi phạm vi trách nhiệm bồi thường, trách nhiệm hoàn trả và xử lý người thi hành công vụ có hành vi gây thiệt hại; Tác động của việc thay đổi trình tự, thủ tục giải quyết bồi thường và vấn đề kinh phí được bồi thường.
Theo bà Dương Thị Thanh Mai, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp), việc giải quyết khiếu nại tố cáo liên quan đến oan sai rất khó, việc bồi thường lại càng khó hơn khi luật hiện hành chỉ quy định lỗi “cố ý” mới có trách nhiệm hoàn trả, nhưng hầu hết các cơ quan tố tụng đều cho rằng xảy ra vụ việc là do lỗi “vô ý”. Ngoài ra, trách nhiệm hoàn trả thiệt hại và xử lý người thi hành công vụ có hành vi gây ra thiệt hại cũng chưa được quy định đúng mức.
“Sau 6 năm triển khai Luật TNBTCNN nhưng chỉ có duy nhất 1 vụ việc được giải quyết bồi thường theo đúng thời gian luật định, còn các vụ còn lại thì thường kéo dài đến 1 năm, thậm chí 2 năm. Đây cũng là vấn đề cần phải xem xét sửa đổi”, bà Mai nói.
Theo báo cáo đánh giá tác động thì chỉ riêng chi phí phát sinh cho ngân sách nhà nước do thực hiện luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2010 trong 6 năm qua là 111 tỷ đồng, trung bình mỗi năm là 18,5 tỷ đồng.
Nhiều chuyên gia luật tại hội thảo đưa ra các đề xuất quan trọng như: Cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây ra oan sai cho người dân, ngoài trách nhiệm bồi thường còn phải trực tiếp công khai xin lỗi, đăng báo cải chính công khai với người bị hại; rút ngắn thời gian giải quyết bồi thường thiệt hại từ 125 ngày (theo luật định) xuống còn 80 ngày; thành lập Quỹ bồi thường nhà nước để rút ngắn thời gian chờ thẩm duyệt của Bộ Tài chính…
Đánh giá về yêu cầu cần sửa đổi, bổ sung Luật TNBTCNN, ông Nguyễn Văn Bốn, Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp) nói, sau 6 năm đi vào cuộc sống, Luật TNBTCNN đã bộc lộ nhiều hạn chế cần sửa đổi để phù hợp với thực tiễn, bởi các “trụ cột” pháp lý của nhà nước như Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, Luật Tố tụng hành chính 2010, Luật Khiếu nại 2011 đã có nhiều thay đổi…
“Việc sửa đổi Luật TNBTCNN sẽ giúp hạn chế những bất cập trong quá trình thực thi luật và kịp thời cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 2013 về việc đảm bảo quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và danh dự của công dân cũng như đảm bảo tính thống nhất với các bộ luật và luật hiện hành”, ông Bốn nói.
Thông qua hội thảo này, ý kiến các chuyên gia về luật sẽ được tổng hợp để hoàn thiện Luật TNBTCNN nhằm dự kiến trình Quốc hội thông qua vào năm 2017.
Xuân Duy