Phân biệt trọng tài thương mại và hòa giải thương mại

Hoà giải và trọng tài thương mại là hai phương thức giải quyết tranh chấp thương mại có hiệu quả và được sử dụng rộng rãi hiện nay. Vậy, hai phương thức giải quyết tranh chấp thương mại này có những điểm gì khác để chúng ta có thể phân biệt được chúng với nhau?

Hoà giải là phương thức giải quyết tranh chấp với sự tham gia của bên thứ ba làm trung gian hoà giải để hỗ trợ, thuyết phục các bên tranh chấp tìm kiếm các giải pháp nhằm loại trừ tranh chấp đã phát sinh.

 Vậy chúng ta cần phải hiểu trọng tài thương mại là gì? Pháp luật Việt Nam hiện hành không đưa ra một khái niệm cụ thể về trọng tài thương mại nhưng ta có thể hiểu: Trọng tài thương mại là hình thức tài phán mà quyền lực của nó được tạo nên bởi chính các bên trong quan hệ tranh chấp thương mại. Tôn trọng quyền tự định đoạt của các đương sự, pháp luật quy định nguyên tắc loại trừ thẩm quyền của tòa án khi các bên đã lựa chọn trọng tài.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại 2010 thì: “Trọng tài là phương thức giải quyết các tranh chấp do các bên thoả thuận và được tiến hành theo thủ tục được quy định tại Luật này”. Khoản 2 điều này quy định: “Thoả thuận trọng tài là thoả thuận giữa các bên nhằm giải quyết bằng Trọng tài tranh chấp có thể phát sinh hoặc đã phát sinh giữa các bên”.

Từ đó mà chúng ta có được những cái nhìn khác nhau về hai hình thức giải quyết tranh chấp thương mại này:

Thứ nhất: Điểm khác nhau cơ bản giữa hai phương thức này đó chính là vai trò của người thứ ba.

Ở phương thức hoà giải thì vai trò của người thứ ba (do các bên tranh chấp tự do lựa chọn) chỉ mang tính hỗ trợ, giúp đỡ các bên thoả thuận với nhau, thuyết phục các bên tranh chấp tìm kiếm các giải pháp nhằm loại trừ tranh chấp phát sinh.  Đặc biệt là bên thứ ba với tính chất trung gian hoà giải phải có vị trí độc lập đối với các bên. Điều đó thể hiện rõ bên thứ ba không ở vị trí xung đột lợi ích với các bên hoặc không có những lợi ích gắn liền với lợi ích của một trong các bểntong các vụ việc đang có tranh chấp. Bên thứ ba tham gia làm trung gian hoà giải thường là những cá nhân, tổ chức có trình độ chuyên môn cao và có kinh nghiệm về những vụ việc có liên quan đến các vụ việc phát sinh. Người thứ ba làm trung gian hoà giải không có quyền quyết định hay áp đặt bất cứ vấn đề gì nhằm ràng buộc các bên tranh chấp. Quyền quyết định cuối cùng vẫn thuộc về các bên tranh chấp khi họ thống nhất được ý chí với nhau về việc giải quyết vụ tranh chấp trên cơ sở hướng dẫn, trợ giúp của người thứ ba.

Còn ở phương thức trọng tài thì sau khi xem xét sự việc, trọng tài có thể đưa ra phán quyết có giá trị cưỡng chế thi hành đối với các bên.

Thứ hai là về cơ chế giải quyết tranh chấp.

Pháp luật hiện hành của Việt Nam không có quy định nào ràng buộc, chi phối đến cơ chế hoà giải ngoài các quy định có tính chất ghi nhận thương lượng, hoà giải là những phương thức giải quyết tranh chấp được các bên tranh chấp ưu tiện lựa chọn để giải quyết tranh chấp phát sinh.

Trong khi đó, cơ chế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài là sự kết hợp giữa hai yếu tố thoả thuận và tài phán. Do đó, nó chịu sự chi phối của pháp luật.

Thứ ba, quá trình tiến hành giải quyết tranh chấp.

Quá trình hoà giải các bên tranh chấp không phải chịu sự chi phối bởi các quy định có tính khuôn mẫu, bắt buộc của pháp luật về thủ tục hoà giải.

Quá trình giải quyết tranh chấp bằng trọng tài phải tuân theo các quy định của pháp luật hiện hành về thủ tục cũng như các quy định khác. Ví dụ, Điều 30 Luật Trọng tài thương mại 2010 có quy định: “Trường hợp giải quyết tranh chấp tại Trung tâm Trọng tài, nguyên đơn phải làm đơn khởi kiện gửi đến Trung tâm Trọng tài. Trường hợp vụ tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài vụ việc, nguyên đơn phải làm đơn khởi kiện và gửi cho bị đơn…”.

Thứ tư, về kết quả giải quyết tranh chấp.

Kết quả hoà giải thành được thực thi hoàn toàn phụ thuộc vào sự tự nguyện của các bên tranh chấp mà không có bất kỳ cơ chế pháp lý nào bảo đảm thi hành những cam kết của các bên trong quá trình hoà giải.

Trái lại, phán quyết của Trọng tài  lại có hiệu lực ràng buộc các bên tranh chấp thực hiện. Nhà nước khuyến khích các bên tự nguyện thi hành phán quyết trọng tài, tuy nhiên nếu hết thời hạn thi hành phán quyết mà các bên không tự nguyện thi hành, cũng không yêu cầu hủy phán quyết thì luật quy định bên được thi hành có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài. Việc đảm bảo thi hành trên thực tế quyết định trọng tài bằng sức mạnh cưỡng chế nhà nước là yếu tố quyết định khắc phục những hạn chế của phương thức tài phán trọng tài.

Trên đây là một số điểm khác nhau cơ bản giữa hai phương thức giải quyết tranh chấp thương mại này. Sau khi tìm hiểu, ta có được cái nhìn tổng quan hơn về việc áp dụng mỗi phương thức, từ đó giúp các thương nhân lựa chọn phương thức cho phù hợp với từng vụ việc cụ thể.

Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ  Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 0913 005 064 để được giải đáp.

Website được thiết kết và xây dựng bởi DKsoft.vn
nothing