1. Khái niệm:
Theo khoản 1 điều 3 Luật trọng tài thương mại năm 2010 thì “Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận và được tiến hành theo quy định của Luật này”.
Như vậy ta có thể hiểu Trọng tài thương mại là hình thức tài phán mà quyền lực của nó được tạo nên bởi chính các bên trong quan hệ tranh chấp thương mại. Tôn trọng quyền tự định đoạt của các đương sự, pháp luật quy định nguyên tắc loại trừ thẩm quyền của tòa án khi các bên đã lựa chọn trọng tài.
2. Hình thức của trọng tài thương mại
Trọng tài thương mại tồn tại dưới hai hình thức, đó là trọng tài vụ việc (trọng tài ad-hoc) và trọng tài thường trực.
a. Trọng tài vụ việc
Trọng tài vụ việc là phương thức trọng tài do các bên tranh chấp thỏa thuận thành lập để giải quyết vụ tranh chấp giữa các bên và trọng tài vụ việc sẽ tự chấm dứt tồn tại khi giải quyết xong vụ tranh chấp. Đây là hình thức trọng tài xuất hiện sớm nhất và được sử dụng rộng rãi ở các nước trên thế giới. Tuy nhiên quy định của pháp luật các nước về hình thức trọng tài này cũng ở mức độ sâu, rộng khác nhau.
Bản chất của trọng tài vụ việc được thể hiện qua các đặc trưng cơ bản sau:
* Trọng tài vụ việc chỉ được thành lập khi phát sinh tranh chấp và tự chấm dứt hoạt động khi giải quyết xong tranh chấp. Theo đó, trọng tài chỉ được thành lập theo thỏa thuận của các bên tranh chấp để giải quyết vụ việc tranh chấp cụ thể giữa các bên. Khi giải quyết xong tranh chấp, trọng tài tự chấm dứt hoạt động.
* Trọng tài vụ việc không có trụ sở thường trực, không có bộ máy điều hành và không có danh sách trọng tài viên riêng. Trọng tài viên được các bên chọn hoặc được chỉ định có thể là người có tên hoặc ngoài danh sách trọng tài viên của bất cứ trung tâm trọng tài nào.
* Trọng tài vụ việc không có quy tắc tố tụng dành riêng cho mình, mà quy tắc tố tựng để giải quyết vụ tranh chấp phải được các bên thỏa thuận xây dựng. Thông thường, các bên tranh chấp có thể thỏa thuận lựa chọn bất kỳ một quy tắc tố tụng phổ biến nào, thường là quy tắc tố tụng của các trung tâm trọng tài có uy tín ở trong nước và quốc tế.
Trọng tài vụ việc lần đầu tiên được quy định tại Pháp lệnh trọng tài thương mại năm 2003. Trước khi ban hành Pháp lệnh trọng tài thương mại, hình thức trọng tài vụ việc mới chỉ được ghi nhận là một phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài vụ việc. Sau khi ban hành Pháp lệnh trọng tài thương mại thì diện mạo của trọng tài vụ việc ở Việt Nam được khắc họa rõ nét.
Trọng tài vụ việc có một số ưu thế hơn trọng tài thường trực như: giải quyết nhanh chóng vụ việc tranh chấp, ít tốn kém; các bên có quyền lựa chọn bất kì trọng tài viên nào trong danh sách trọng tài viên của bất kì trung tâm trọng tài nào….
b. Trọng tài thường trực
Ở Việt Nam, trọng tài thường trực được tổ chức dưới dạng các trung tâm trọng tài. Trung tâm trọng tài là tổ chức phi chính phủ, có tư cách pháp nhân, có con dấu, có tài khoản riêng và có trụ sở giao dịch ổn định.
Các trung tâm trọng tài có một số đặc trưng cơ bản sau:
* Các trung tâm trọng tài là tổ chức phi chính phủ, không nằm trong hệ thống cơ quan nhà nước; nhưng đồng thời vẫn nhận sự hỗ trợ của nhà nước.
Các trung tâm trọng tài được thành lập theo sáng kiến của trọng tài viên sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép, chứ không phải được thành lập bởi nhà nước. Các trung tâm trọng tài không nằm trong hệ thống cơ quan quản lí nhà nước, cũng không thuộc hệ thống cơ quan xét xử nhà nước.
Hoạt động của trung tâm trọng ài theo nguyên tắc tự trang trải mà không được cấp kinh phí hoạt động từ ngân sách nhà nước.
Trọng tài viên duy nhất hoặc hội đồng trọng tài không nhân danh quyền lực nhà nước mà nhân danh người thứ ba độc lập ra phán quyết.
Là tổ chức phi chính phủ nhưng các trung tâm trọng tài vẫn luôn đặt dưới sự quản lí và hỗ trợ của Nhà nước. Nhà nước quản lí đối với các trung tâm trọng tài thông qua việc bạn hành các văn bản pháp luật tạo cơ sở pháp lí cho việc tổ chức và hoạt động của trung tâm trọng tài. Ngoài ra, nhà nước còn quản lí thông qua hoạt động quản lí hệ thống các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc cấp, thay đổi, bổ sung hay thu hồi giấy phép thành lập, đăng kí hoạt động của các trung tâm trọng tài.
* Các trung tâm trọng tài có tư cách pháp nhân, tồn tại độc lập với nhau.
Mỗi trung tâm trọng tài là một pháp nhân, tồn tại độc lập và bình đẳng với cac trung tâm trọng tài khác. Giữa các trung tâm trọng tài không tồn tại quan hệ phụ thuộc cấp trên, cấp dưới.
* Tổ chức và quản lý ở các trung tâm trọng tài rất đơn giản, gọn nhẹ.
Cơ cấu của trung tâm trọng tài gồm có ban điều hành và các trọng tài viên của trung tâm.
Ban điều hành gồm có chủ tịch, một hoặc các phó chủ tịch trung tâm trọng tài và có thể có tổng thư ký trung tâm trọng tài do chủ tịch trung tâm trọng tài cử.
Các trọng tài viên trong danh sách trung tâm trọng tài có thể tham giai vào việc giải quyết tranh chấp khi được chọn hoặc chỉ định.
* Mỗi trung tâm trọng tài tự quyết định về lĩnh vực hoạt động và có quy tắc tố tụng riêng.
Mỗi trung tâm trọng tài tự xác định về lĩnh vực hoạt động của mình tùy theo khả năng chuyên môn của đội ngũ trọng tài viên và phải ghi rõ trong điều lệ của trung tâm trọng tài. Trong quá trình hoạt động, trung tâm trọng tài có quyền mở rộng hoặc thu hẹp phạm vi lĩnh vực hoạt động trên cơ sở sự chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Mỗi trung tâm trọng tài đều có điều lệ riêng, đặc biệt là quy tắc tố tụng riêng được xây dựng căn cứ vào đặc thù về tổ chức, hoạt động của trung tâm và không trái với quy định của pháp luật về trọng tài thương mại. Khi giải quyết tranh chấp, hội đồng trọng tài hoặc trọng tài viên duy nhất phải tuân thủ quy tắc tố tụng này.
Việc xây dựng quy tắc tố tụng của các trung tâm trọng tài thường dựa trên cơ sở là một số bản quy tắc trong tài hay một số công ước quốc tế có liên quan cũng như bản quy tắc tố tụng của một số trung tâm trọng tài quốc tế có uy tín.
* Hoạt động xét xử của trung tâm trọng tài được tiến hành bởi các trọng tài viên của trung tâm. Mỗi trung tâm trọng tài đều có danh sách riêng về trọng tài viên của trung tâm. Việc chọn hoặc chỉ định trọng tài viên tham gia giải quyết tranh chấp chỉ được giới hạn trọng danh sách trọng tài viên của trung tâm. Vì vậy, hoạt động xét xử của trung tâm trọng tài chỉ được tiến hành bởi các trọng tài viên của chính trung tâm.
Mọi thắc mắc pháp lý cần tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ, quý khách hàng vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 0913 005 064 hoặc gửi thư về địa chỉ email: daodinhhue@gmail.com