Các chức năng cơ bản trong tranh tụng

Vấn đề chức năng cơ bản trong TTHS, đặc biệt là trong quá trình tranh tụng là vấn đề chưa được đề cập một cách thỏa đáng và có hệ thống trong sách báo và các tài liệu pháp lý ở Việt Nam. Trong khoa học luật TTHS hiện nay vẫn còn có những ý kiến khác nhau.

Có ý kiến cho rằng trong TTHS bao gồm bốn chức năng cơ bản đó là: buộc tội, bào chữa, xét xử và kiểm sát việc tuân theo pháp luật. Thực hành quyền công tố không phải là một chức năng tố tụng độc lập mà chỉ là một bộ phận, hình thức thể hiện của chức năng buộc tội. Ý kiến khác lại cho rằng chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật và chức năng công tố là hai chức năng cơ bản và độc lập với nhau và với các chức năng khác của tố tụng hình sự. Lại có ý kiến cho rằng kiểm sát việc tuân theo pháp luật không phải là chức năng độc lập mà chỉ là một bộ phận cấu thành của chức năng công tố. Ngoài ra có ý kiến cho rằng trong TTHS chỉ có ba chức năng cơ bản là: điều tra, truy tố và xét xử [5].

Chúng tôi cho rằng mỗi loại ý kiến đều có những lý lẽ riêng và trong chừng mực nhất định đều chứa đựng những hạt nhân hợp lý. Tuy nhiên theo chúng tôi trong TTHS có nhiều chức năng khác nhau. Nhưng: “những chức năng mà khi được thực hiện sẽ giải quyết được nhiệm vụ chung của TTHS thì được gọi là chức năng cơ bản[6]. Vì vậy trong TTHS chỉ bao gồm ba chức năng cơ bản đó là: chức năng buộc tội, chức năng bào chữa và chức năng xét xử.

Chức năng cơ bản trong TTHS cũng chính là các chức năng cơ bản trong tranh tụng. Điểm khác nhau cơ bản giữa chúng chính là thời điểm xuất hiện các chức năng, nếu trong tranh tụng hình sự thì cả ba chức năng cơ bản đều luôn cùng tồn tại, nếu thiếu một trong ba chức năng thì điều đó cũng có nghĩa là chưa xuất hiện tranh tụng. Nhưng trong TTHS, so với chức năng xét xử thì chức năng buộc tội và bào chữa xuất hiện sớm hơn và song song tồn tại với nhau. Quan điểm rất đúng đắn khi cho rằng: “Có chức năng buộc tội mà không có chức năng bào chữa thì hoạt động tố tụng sẽ mang tính chất một chiều và kết buộc chứ không phải là tranh tụng. Tố tụng hình sự không thể được thừa nhận là dân chủ khi chức năng buộc tội không có đối tượng là chức năng bào chữa”[7]. Chỉ có sự song song tồn tại hai chức năng trên mới có thể tạo ra sự tranh tụng giữa các bên – điều kiện cần thiết để xác định chân lý khách quan của vụ án.

Website được thiết kết và xây dựng bởi DKsoft.vn
nothing